Chuyên gia tiêu hóa lưu ý cha mẹ 3 thời điểm trẻ hay bị táo bón
TS.BS. Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hoá, BV Nhi đồng 1 cho biết, có 3 thời điểm trẻ dễ bị táo bón là lúc trẻ bắt đầu ăn dặm hoặc thay đổi chế độ ăn uống
- Táo bón – bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ
Bệnh táo bón không chỉ là mối lo lắng của các bậc phụ huynh có con nhỏ, mà còn là nỗi “ám ảnh” của chính các bé khi đi vệ sinh. Thống kê trên thế giới cứ 100 trẻ đi khám bệnh thì có 1 trẻ bị táo bón. Theo các bác sĩ, riêng tại các chuyên khoa tiêu hóa đã thống kê được số trẻ gặp vấn đề táo bón chiếm tới 30% các bé đến khám.
TS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hoá, BV Nhi đồng 1 cho rằng , 5 năm trước đây, trung bình số trẻ em đến khám tại BV Nhi đồng 1 vì táo bón là khoảng 10.000 trường hợp. Vào năm ngoái, có tới 18.000 trẻ đến khám vì nguyên nhân táo bón. Con số này nói lên rằng, đây là vấn đề tiêu hóa được rất nhiều các bậc phụ huynh quan tâm.
TS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hoá, BV Nhi đồng 1
Vậy táo tón là gì?
TS Phúc cho biết, táo bón ở trẻ nhỏ là khi em bé giảm tần suất đi đại tiện bình thường kèm theo đó là đi đại tiện khó khăn và đau, phân khô và cứng. Nếu một trẻ nhỏ có đủ 3 điều kiện này thì tức là em bé bị táo bón. Tuy nhiên tần suất đại tiện khác nhau ở mỗi lứa tuổi, ví dụ nếu một trẻ lớn mà 1 tuần đi ít hơn 3 lần, trẻ sơ sinh thì có thể 1 ngày dưới 2 lần gọi là giảm tần suất. Ngoài ra lúc đi đại tiện bé phải rặn, khó đi hoặc đi thì khóc, phân có độ rắn chắc, có thể như viên bi rơi lộp cộp, hoặc phân dê, nứt nẻ thì coi là táo bón.
TS Phúc cho rằng, các bậc cha mẹ cũng cần phân biệt, nếu trẻ chỉ có 1 trong 3 điều kiện trên thì chưa phải là bị táo bón, mà có thể trẻ gặp một tình trạng bệnh nào đó như là rối loạn tiêu hóa thoáng qua. Ngoài ra người ta còn chia theo thời gian, nếu tình trạng táo bón kéo dài hơn 2 tháng thì gọi là táo bón mạn tính còn ít hơn 2 tháng là táo bón tự phát.
3 thời điểm trẻ dễ bị táo bón
Một số bậc phụ huynh cho biết, không phải lúc nào trẻ cũng gặp vấn đề táo bón, mà có những thời điểm hoặc những thay đổi về chế độ ăn uống, sinh hoạt , bé dễ bị táo bón hơn.
TS Phúc chỉ rõ, tùy theo lứa tuổi trẻ sẽ gặp vấn đề táo bón. Nhưng các bậc phụ huynh nên lưu ý 3 thời điểm trẻ dễ bị táo bón nhất. Đó là lúc trẻ bắt đầu ăn dặm, bé chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc dễ bị thiếu nước hay khi bé chuyển từ bú mẹ sang uống sữa công thức… Thời điểm trẻ cũng hay bị táo bón là lúc cha mẹ tập cho trẻ đi toilet. Mong muốn của phụ huynh để bé đi ngoài đúng chỗ, đúng giờ, nhưng lúc đó bé lại không buồn đi vệ sinh, đến lúc bé buồn đi ngoài lại không đúng giờ, có bé nhịn để chờ đến giờ mới đi vệ sinh. Chính cha mẹ là người khiến trẻ dễ dẫn tới táo bón cấp thậm chí là táo bón mạn tính sau này. Thời điểm thứ ba là lúc trẻ bắt đầu đi học, khi bé đến một môi trường hoàn toàn mới, việc trẻ nhịn đi vệ sinh vì sợ, không quen toilet là tình trạng phổ biến. Điều này cũng dẫn tới táo bón.
Bệnh táo bón khiến trẻ khó tăng cân, chậm lớn
Tuy nhiên những trường hợp táo bón trên đây đều là táo bón chức năng, không phải do bệnh lý, chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống sẽ giải quyết được vấn đề táo bón cho trẻ. Theo TS Phúc, có 90-95% trẻ bị táo bón là táo bón chức năng, còn trường hợp táo bón thực thể chiếm rất ít. Như một số căn bệnh bẩm sinh ở trẻ gây táo bón thực thể, đó là bệnh phình đại trành bẩm sinh, có bất thường ở hậu môn…. Trẻ sau khi được sinh ra từ 24-48 tiếng không có phân su cần nghĩ tới bệnh phình đại tràng bẩm sinh, bé bị suy dinh dưỡng, chậm tăng cân có nguyên nhân do táo bón, hoặc có bất thường ở hậu môn…. Tất cả những trường hợp này, trẻ cần phải được đưa tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, TS Phúc lưu ý.
Làm gì để trẻ không bị táo bón?
Đây là câu hỏi và cũng là niềm mong mỏi của tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ đang bị táo bón.
Theo Ths. BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hậu -Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2
Ở trẻ nhỏ 95% bị táo bón, rối loạn tiêu hóa là do thói quen ăn uống, thói quen đi cầu nhưng đây là những vấn đề có thể điều chỉnh được.
Thay đổi chế đô dinh dưỡng là biện pháp quan trọng phòng ngừa táo bón. Theo Ths. BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu, chất xơ hiện diện trong các bữa ăn của trẻ, ngay cả khi trẻ còn nhỏ thì trong sữa đã có chất xơ (kể cả sữa mẹ), nếu trẻ bú sữa mẹ thì thường không bị táo bón.
Ths. BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hậu -Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2.
Trong sáu tháng đầu mà trẻ bị táo bón thì có thể là do bé dị ứng với sữa hoặc với thức ăn mà mẹ ăn. Trong trường hợp này cần đưa trẻ tới bác sĩ để tìm nguyên nhân. Để phòng táo bón cho trẻ ở tuổi ăn dặm, khi trẻ ăn thức ăn đặc hơn, chế độ nhiều đạm, muối khoáng cơ thể cần bổ sung thêm nhiều nước và chất xơ hơn để chuyển hóa thức ăn.
Ở tuổi này cha mẹ cần tập cho bé ăn chất xơ bằng cách ăn trái cây bằng. Nhiều người mẹ thường cho con uống các loại nước trái cây, dù rất tốt nhưng ăn như vậy sẽ đưa vào cơ thể trẻ nhiều đường hơn là chất xơ, ăn hoa quả như vậy còn khiến trẻ dễ hỏng răng và khả năng nhai kém hơn từ đó bé càng dễ bị táo bón.
BS Hậu cho biết, có những bé có cấu tạo trực tràng dài hơn thì điều cha mẹ cần làm là tăng lượng rau xanh cho bé. Ngoài ra cần lưu ý bổ sung thêm nước, hướng dẫn trẻ có chế độ vận động phù hợp, cần tập cho bé biết cách đi vệ sinh ngay từ nhỏ để trẻ có thể chủ động đi đại tiện đến khi trẻ lớn có thể ngồi bô. Bố mẹ cũng cần dạy trẻ tư thế ngồi rặn cần đúng trẻ mới có thể dễ dàng đi cầu được, BS Hậu khuyên.
TS Phúc lưu ý thêm các bậc phụ huynh, với trẻ đang bị táo bón, không nên tập cho bé đi toilet bởi lúc này có thể làm trẻ phụ thuộc vào giờ giấc mà nhịn đi cầu, điều này rất hại cho trẻ. Cha mẹ cũng cần quan sát bé để biết được khi nào trẻ nín (nhịn) đi vệ sinh nhất là các bé độ tuổi tiểu học thường sợ nhà vệ sinh. Cần tìm nguyên nhân xem tại sao bé nhịn đi vệ sinh để can thiệp sớm, với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ cần chú ý để biết, khi nào trẻ mót rặn, cần đi vệ sinh để hỗ trợ bé kịp thời.
Hải Yến
( Nguồn: Sức khỏe và Đời sống)
-